Nguyễn Hiến Lê - Người thầy về tinh thần tự do, kỷ luật trong công việc

Thứ Bảy, 17 - 02 - 2018

Một bài viết ý nghĩa về học giả Nguyễn Hiến Lê mà tác giả - nhà báo Lê Hồng Lâm xem như "một người thầy về tinh thần tự do, kỷ luật trong công việc".
 
Quỹ xin phép trích đăng lại ở đây. Cảm ơn anh Lâm.
<3
................................

Để sống một cuộc sống tự do, ung dung tự tại không dễ cũng không khó. Để kỷ luật bản thân, tôi thường đọc lại "Tôi nói gì khi tôi nói về chạy bộ" của Haruki Murakami. Để tìm một người thầy về tinh thần tự do, kỷ luật trong công việc, tôi tìm đến ông Nguyễn Hiến Lê.
 
Nguyễn Hiến Lê là một nhà văn, dịch giả, nhà nghiên cứu, nhà báo...; nhưng có lẽ hợp nhất là học giả. Sống trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa, ông từ chối mọi bổng lộc, chức tước, những lời mời làm giám khảo, giáo sư thỉnh giảng để về dạy học ở Long Xuyên và sau đó dịch thuật, viết văn. Trong hơn 30 năm cầm bút chuyên nghiệp, ông đã xuất bản hơn 120 đầu sách. Nhiều trong số đó là những tác phẩm đồ sộ như Chiến tranh và hòa bình của L. Tolstoi; Kiếp người của S. Maugham; Bộ Lịch sử Văn minh của Will Duran; Sử ký Tư Mã Thiên, Đại cương Triết học Trung Quốc; Kinh Dịch... và nhiều tác phẩm dịch thuật, nghiên cứu danh tiếng khác. Tôi nghe danh ông đã lâu nhưng biết ông khá muộn, nhờ đọc bộ Lịch sử Văn minh (Ấn Độ, Trung Hoa, Ả Rập) của Will Duran qua bản dịch của ông, mê quá nên mới đi sưu tập, được khoảng trên dưới 20 đầu sách của ông. Và từ đó, tôi học được một phần từ ông.
 
Trong cuốn Hồi ký Nguyễn Hiến Lê được bạn Hoa Linh Thoai tặng, trong phần kỷ luật làm việc như một học giả tự do, ông viết: "Tự đặt cho mình một kỷ luật, trừ khi đau ốm còn thì ngày nào cũng dậy từ 6 giờ, điểm tâm lúc 7 giờ, rồi nằm đọc sách, 9 giờ ngồi lại bàn viết luôn đến 12 giờ. Ăn trưa xong tôi nghỉ khoảng 1 giờ, một rưỡi dậy nằm giường đọc sách đến 3 giờ. Chiều lại viết từ 3 giờ đến 5 giờ rưỡi, 6 giờ tắm xong, ăn bữa tối lúc 7 giờ. Cả buổi tối cho tới 10 giờ, tôi chỉ nằm đọc sách báo.
 
Như vậy mỗi ngày tôi viết nhiều nhất khoảng 5-6 giờ, đọc sách cũng 5-6 giờ, nhưng còn phải trừ một ngày một giờ vào công việc xuất bản, rốt cuộc còn thực sự làm việc từ 8 đến 10 giờ. Mỗi năm viết cả sách lẫn báo, trung bình được ngàn rưỡi trang trở lại, mỗi ngày trung bình được 3 trang.
 
Nhiều bạn hỏi tôi làm sao có thể viết trong trên 30 năm được 120 nhan đề (100 đã xuất bản, 20 còn bản thảo). Tôi đáp, 120 nhan đề đó được khoảng 30.000 trang, chia cho 33 năm chỉ còn khoảng 900 trang một năm, trung bình chưa được 3 trang mỗi ngày mà.”
 
15 điều dưới đây là nhân sinh quan của Nguyễn Hiến Lê, tôi chép lại để cho mình và dành tặng các bạn trong thời khắc Giao thừa chuẩn bị bước sang năm mới vì thấy những quan điểm sống của ông vẫn rất ý nghĩa trong thời đại hôm nay.
 
1. Đời sống tự nó vô nghĩa, trừ ý nghĩa truyền chủng, nhưng mình phải cho nó một ý nghĩa. Từ hồi ăn lông ở lỗ đến nay, nhân loại đã tiến về nhiều phương diện. Chúng ta được hưởng công lao, di sản của biết bao thế hệ thì phải duy trì di sản đó và cải thiện nó tùy theo khả năng của mỗi người.
 
2. Chúng ta làm điều phải vì tin nó là điều phải chứ không phải ý muốn của Thượng đế hay vì một vị thần linh nào, cũng không phải vì mong chết rồi được lên Niết Bàn hay Thiên Đàng.
 
3. Quan niệm thiện ác thay đổi tùy thời, tùy nơi. Cái gì ích lợi cho một xã hội vào một thời nào đó thì được xã hội đó cho là thiện; cũng cái đó qua thời khác không còn ích lợi gì nữa mà hóa ra có hại thì bị coi là ác. Ví dụ đạo tòng phu, tòng tử của phụ nữ có lợi cho gia đình, xã hội ở thời nông nghiệp; tới thời kỹ nghệ không còn có lợi cho gia đình, xã hội nữa nên mất giá trị. Khi sản xuất được ít, đức tiết kiệm được đề cao; ngày nay ở Âu Mỹ sản xuất vật dụng thừa thải quá, nên sự phung phí gần như thành một bổn phận đối với xã hội. Tuy nhiên vẫn có một số giá trị vĩnh cửu, từ hồi loài người bắt đầu văn minh, dân tộc nào cũng trọng, như đức nhân, khoan hồng, công bằng, tự do, tự chủ...
 
4. Đạo Khổng thực tế nhất, hợp tình hợp lý nhất, đầy đủ nhất, xét về cả việc tu thân, tề gia, trị quốc. Vậy mà tới nay, lý tưởng của ông, nhân loại vẫn chưa theo được. Về tu thân, ba đức nhân, trí, dũng luyện được đủ tình cảm, trí tuệ và nghị lực của con người.
 
5. Mỗi người đã phải đóng một vai trò trong xã hội thì tôi lựa vai trò thư sinh. Sống trong một gia đình êm ấm giữa sách và hoa, được lòng quý mến, tin cậy của một số bạn và độc giả, tôi cho là sướng hơn làm một chính khách được hàng vạn người hoan hô, mà có phần giúp ích cho xã hội được nhiều hơn bạn chính khách nữa. Nhưng làm nhà văn thì phải độc lập, không nhận một chức tước gì của chính quyền.
 
6. Ghi được một vẻ đẹp của thiên nhiên, của tâm hồn, tả được một nỗi khổ của con người khiến cho đời sau cảm động, bấy nhiêu cũng đủ mang danh nghệ sĩ rồi.
 
7. Văn thơ phải tự nhiên, cảm động, có tư tưởng thì mới hay. Ở Trung Hoa, thơ Lý Bạch, văn Tô Đông Pha hay nhất. Ở nước ta, thơ Nguyễn Du tự nhiên, bình dị mà bài nào cũng có giọng buồn man mác.
 
8. Một xã hội văn minh thì nhà cầm quyền không đàn áp đối lập; cùng lắm chỉ có thể ngăn cản họ để đừng gây rối thôi; tuyệt nhiên không được tra tấn họ. Phải tuyệt đối tôn trọng chính kiến của một người.
 
9. Một xã hội mà nghề cầm bút, nghề luật sư không phải là nghề tự do thì không gọi là xã hội tự do được.
 
10. Khi nghèo thì phải tận lực chiến đấu với cảnh nghèo và phải đủ ăn mới giữ được sự độc lập và tư cách của mình. Nhưng khi đã đủ ăn rồi thì đừng nên làm giàu, phải để thì giờ làm nhiều việc hữu ích mà không vì danh lợi. Giá trị của ta ở chỗ làm được nhiều việc như vậy hay không.
 
11. Chỉ nên hưởng cái phần xứng đáng với tài đức của mình thôi. Nếu tài đức tầm thường mà được phú quý hoặc được nhiều người ngưỡng mộ thì sẽ mang họa vào thân.
 
12. Hôn nhân bao giờ cũng là một sự may rủi. Dù sáng suốt và chịu tốn công thì cũng không chắc gì kiếm được người hoàn toàn hợp ý mình; phải sống chung ba năm mới rõ được tính tình của nhau.
 
13. Cơ hồ không thay đổi được bản tính con người, người nóng nảy thì tới già vẫn nóng nảy, người nhu nhược thì tới già vẫn nhu nhược. Nhưng giáo dục vẫn có ích. Không nên cho trẻ sung sướng quá. Phải tập cho chúng có qui cũ, kỉ luật, biết tự chủ và hiểu rằng ở đời có những việc mình không thích làm nhưng vẫn phải làm; và làm thì phải làm ngay, làm đàng hoàng, làm cho xong.
 
14. Xã hội bao giờ cũng có kẻ tốt và kẻ xấu. Như Kinh Dịch nói, lúc thì âm (xấu) thắng, lúc thì dương (tốt) thắng; mà việc đời khi giải quyết xong thì lại sinh ra việc khác liền; sau quẻ Kí tế (đã xong), tiếp ngay quẻ Vị tế (chưa xong). Mình cứ làm hết sức mình thôi, còn thì để lại cho các thế hệ sau.
 
 
15. Hồi trẻ, quan niệm của tôi về hạnh phúc là được tự do, độc lập, làm một công việc hữu ích mà mình thích, gia đình êm ấm, con cái học được, phong lưu một chút chứ đừng giàu. Nhưng hồi năm mươi tuổi tôi thấy bấy nhiêu chưa đủ, cần thêm điều kiện này nữa: sống trong một xã hội lành mạnh, ổn định và tương đối ổn định.
 
Chúc các bạn có một cuộc sống thật ý nghĩa và an lạc, từng ngày!
 
 
    

Thêm một đứa trẻ được học là thêm một cuộc đời được thay đổi. Chúng tôi nguyện giúp các bạn trẻ học và tự học.

2017 Quỹ Nguyễn Hiến Lê

6/12 Nguyễn Trác, P. Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột.

sansocsuhoc@quynguyenhienle.org