Học để biết sống và sống hạnh phúc
Thứ Sáu, 21 - 02 - 2025
Viết thư cho các em học sinh mà Quỹ săn sóc sự học, chúng mình thường bày tỏ niềm mong mỏi các em vui - học và sẽ trở thành những công dân biết - sống - vui, biết - sống - hạnh - phúc.
Thế nên, thật đồng điệu khi đọc những chia sẻ này trong cuốn sách Cân bằng trong khủng hoảng của hai tác giả Nguyễn Tường Bách và Nguyễn Vĩnh Nguyên.
Quỹ trích chia sẻ lại ở đây với lời chúc các học sinh, sinh viên cùng biết - học, vui - học, sao cho học là “quá trình rèn luyện của đức hiếu tri, trí tuệ” thay vì là “quá trình đối phó nhằm đạt được chỗ đứng trong xã hội”.

Nguyễn Vĩnh Nguyên: Trong cách nhìn giáo dục cởi mở, tôi nghĩ mục tiêu của sự học là giúp con người được hiểu biết, biết sống và sống hạnh phúc. Mục tiêu ở đây hướng về nội tại, sự thăng tiến trong lịch sử tinh thần của người học và những giá trị thuộc về “nhân vị”. Bản thân quá trình học tri thức, cũng là “bài tập” trải nghiệm để người học tham gia vào quá trình “biết sống” và “sống hạnh phúc”.
[…]
Sự học là món quà quý nhất mà con người nhận được từ cuộc đời của mình.
Mục đích tối hậu, như tôi thử chia sẻ một cách phổ quát: biết - sống (hiểu biết để sống được: sống được, sống tốt bằng sự hiểu biết trong thời đại của mình; biết - sống vừa mang hàm nghĩa tinh thần, giá trị, tư tưởng nhưng cũng mang hàm nghĩa thực tế, là đủ khả năng, kỹ năng, tri thức để tinh tấn, độc lập, sáng tạo trong một thế giới không ngừng thay đổi); và, vế thư hai tôi nghĩ là điều tối hậu của giáo dục đích thực: Con người học để sống - hạnh - phúc, điều này có lẽ không cần phải bàn cãi nhiều bởi nó gắn với ý nghĩa cốt lõi của đời sống, thân phận con người nói chung.
Cho cùng, có lẽ ở trong xã hội nào cũng vậy, con người đi học không ngoài hai chiều kích đó. Không ai đi học để bị lệ thuộc,bị áp đặt, bị áp lực, bị đối phó, bị làm cho tối tăm tinh thần, học để chịu nô dịch bởi quyền lực hay sức mạnh cưỡng bách từ kẻ khác.
Thế nhưng, điều nghịch lý đang xảy ra nhiều nơi trên thế giới, kể cả Việt Nam, là có gì đó sai lầm lệch lạc trong giáo dục và đào tạo. Con người khổ vì học… Học là gánh nặng chứ không phải niềm vui. […] Các thể chế chính trị, định chế kinh tế, văn hóa đề cao sự vượt trội, tăng trưởng hãnh tiến ngày nay đã can thiệp quá nhiều vào quá trình học hành của con người? […]
Nguyễn Tường Bách: Mục đích cao quý và nguyên thủy của sự học là thỏa mãn niềm khao khát tri thức của con người. Khi tính xã hội và thực dụng xâm chiếm mục đích việc học thì người ta học để có việc làm, để được lương cao bổng hậu. Và chỉ có thế, không hơn.
Hơn nữa, khi lợi ích phiến diện của chính trị hay kinh tế can thiệp trực tiếp vào việc giáo dục đào tạo thì sẽ có khuynh hướng nhào nặn con người rập khuôn theo một công thức nhất định.
[…] Tính chất “nhân vị” của giáo dục bị bỏ qua, ngược lại áp đặt mục tiêu xã hội là tuyệt đối. Nền giáo dục thay vì đưa con người vào những hành trình mở mang tâm trí thông qua việc thực học, học để biết sống và sống hạnh phúc với phẩm giá đích thực của mình, thì lại dẫn dắt con người vào những mê lộ của khuôn thước.
Trong khuôn thức giáo dục này, thanh thiếu niên cố học thuộc lòng, lặp lại tri thức của người khác và nhầm tưởng là mình đã “học”. Nếu chúng ta nhớ rằng, thực ra sự học là một hành trình tái sáng tạo (re-creation), trong đó người học sáng tạo lại trong tâm mình những điều cần học, thì ta sẽ rõ sự lặp lại tri thức của người khác không hề là cái học đích thực. [...]
(Trích từ tập sách Cân bằng trong khủng hoảng, Phanbook & NXB Hội nhà văn ấn hành, 2024)
----------------------
Tranh: Nguyễn Thanh Nhàn
----------------------
sansocsuhoc@quynguyenhienle.org
www.facebook.com/quynguyenhienle
Bài viết khác
Thêm một đứa trẻ được học là thêm một cuộc đời được thay đổi. Chúng tôi nguyện giúp các bạn trẻ học và tự học.