Mỗi ngày 5 phút đọc cho các em
Thứ Năm, 12 - 10 - 2017
Bài viết của cô giáo - nhà văn Võ Diệu Thanh trên báo Tuổi Trẻ về giải pháp góp phần giải cơn khát sách của trẻ em nông thôn, cũng như gieo tình yêu với sách nơi các em:
MỖI NGÀY 5 PHÚT ĐỌC CHO CÁC EM
Có thể ở đâu đó coi sách đứng sau những mặt hàng xa xỉ, thì ở nông thôn sách lại được đặt ngang với mặt hàng xa xỉ.
Với người dạy, người quản lý giáo dục, kiến thức trong sách giáo khoa là tối thượng. Thư viện trường học chỉ được lưu hành những cuốn sách do Bộ Giáo dục, đào tạo rót về, những loại sách khác đều không đáng tin cậy vì chưa được kiểm duyệt, nên thư viện rất nghèo nàn.
Người dạy đã vậy, người học - nhất là người học ở nông thôn - đương nhiên bị ảnh hưởng trọn gói. Phụ huynh nhắc con học bài mỗi ngày như tụng kinh. Mà bài học cũng chỉ duy nhất ở sách giáo khoa.
Mỗi lần thấy tôi mang sách vào lớp, các em nhìn sách trong tay tôi như nhìn một mớ giấy vụn.
Tôi chọn những chương phù hợp với các em, đọc cho các em nghe bằng những biểu cảm ngôn ngữ và phi ngôn ngữ. Từ lớp 1 tới lớp 5, hầu hết các em đều tự nguyện trút tiền túi ít ỏi của mình để có được cuốn sách trong tay tôi chỉ sau một lần nghe đọc.
Mỗi lần như vậy, tôi chỉ tốn khoảng năm phút cuối buổi dạy. Tôi tin, nếu ngày ngày cô giáo bỏ ra năm phút đọc cho các em nghe, khả năng cảm mến dành cho sách của các em sẽ phát triển không ngừng.
Đọc như thế nào, đọc sách gì cũng là điều đáng nói. Trong một buổi tọa đàm với nhà văn Hwang Sun Mi, tác giả của Cô gà mái xổng chuồng, tôi được biết một cô giáo có hẳn câu lạc bộ đọc sách cùng con.
Con cô rất mê sách. Nhưng điều cơ bản là cô có giọng đọc rất truyền cảm. Có giọng đọc là một lợi thế lớn. Nếu không có thì phải tập, một người dạy học càng phải tập nhiều hơn trong luyện phát âm và biểu cảm phù hợp với cảm xúc trong sách.
Người dạy cần có kỹ năng đọc sách cùng học trò mình và phải đọc thật hấp dẫn (cũng như có kỹ năng "kiểm duyệt" được những cuốn an toàn cho học trò mình mà không phải đợi tới chỉ đạo của cấp trên).
Tuy nhiên, nếu muốn người dạy chuyên cần với các hoạt động phức tạp này, người quản lý giáo dục phải thoát khỏi tư duy kiểm tra kiến thức chỉ chăm chăm vào sách giáo khoa, thay vào đó là kiểm tra kỹ năng mà mỗi giáo viên lẫn học sinh đều có thể thu nhận được từ sách.
Có như vậy, sách mới thoát khỏi phận xa xỉ mà thuận đường vào trường học, vào tận tay học trò để thay thế dần những đam mê có hại khác đang đầy rẫy quanh chốn học đường.
VÕ DIỆU THANH
Cô Võ Diệu Thanh - điều phối viên của Quỹ Nguyễn Hiến Lê / Người bạn lớn của Đội Học bổng An Giang 2017 - trong buổi cùng Quỹ trao học bổng tại An Giang.
Bài viết khác
Thêm một đứa trẻ được học là thêm một cuộc đời được thay đổi. Chúng tôi nguyện giúp các bạn trẻ học và tự học.