Niềm thương khi lá rơi về
Chủ Nhật, 05 - 04 - 2020
Gấp sách lại rồi, tôi vẫn không hiểu tại sao mình đã đọc hết 400 trang về những chuyện lằng nhằng của 3 đứa nhỏ 14, 16, 17 tuổi ấy. Những câu chuyện sinh ra từ sai lầm tuổi trẻ của thế hệ trước kéo đến các sai lầm của thế hệ sau. 400 trang sách, đủ mọi mệt mỏi của những chuyện của bọn chưa thành người lớn, tôi đã đọc từng chữ một, mà không hiểu vì sao.
Rồi tôi chợt nghĩ ra lý do, tôi xúc động và hào hứng tham dự vào những cảm xúc ấy vì tôi đã có lần 14, 16, 17 tuổi. Tôi có đầy đủ các sai lầm, các tức giận, các mệt mỏi của lứa tuổi ấy. Tôi cũng từng nghĩ những vấn đề của mình trong lúc ấy to hơn mọi chuyện trên thế giới này cộng lại, tôi bực bội thế giới này khi nghĩ mình cô đơn.
Nhưng những đứa trẻ nhân vật trong sách, khác với tôi và đa số độc giả, chúng là những đứa trẻ bị cắt lìa khỏi cội rễ, những đứa trẻ đã trở thành con nuôi khi mới sinh hoặc phải sống trong trại tế bần, lang thang qua các gia đình “nuôi giúp”. Trong tình thế đó, chúng tự định hình chính mình, trong những khuôn thức đã ít nhiều biến dạng. Chúng có thể sống trong các gia đình yêu thương chúng hoặc bị ruồng rẫy, nhưng dù cách nào, chúng cũng không thể toàn vẹn, khi được chăm chút quá mức hoặc bị bỏ qua hoàn toàn, vì sự khác biệt của bản thân chúng với mọi người trong gia đình.

Ba anh em, bị chia lìa khỏi mẹ từ lúc mới sinh, không biết đến nhau cho tới lớn. Khoảng giữa thời gian ấy là sự mơ hồ về bản thân, về sự mặc cảm trương phồng vì nỗi cô đơn và bơ vơ. Trong khoảng ấy, chúng đã kịp yên, kịp nhận ra giới tính mình, kịp làm đủ trò sai lầm, kịp làm bị thương người khác, kịp làm tổn thương mọi người xung quanh, kịp làm bi đát mình, kịp xấc láo, kịp cay độc, kịp tận cùng yếu đuối, kịp níu kéo quơ quào các yêu thương… Có đứa 14, 16, 17 nào mà không vậy chứ, kể cả những đứa chưa một ngày xa cội rễ như tôi ngày xưa. Tình thế và thân phận của chúng chỉ khắc tính cách đó sâu hơn 1 chút, 1 chút thôi, đủ để chảy máu chính bọn chúng và những người xung quanh.
Rồi chúng tìm thấy nhau, rồi chúng từng chút một, nối các dây liên hệ, những vi tế mà thân thích mới nhận thấy. Sau những rụt rè, nhầm lẫn, những va chạm, những quả ngọt mọc ra từ chung một nách là biết cách nép vào nhau, chúng che chở và dỗ dành nhau qua bão tố. Chúng tìm cách rụng cùng nhau về cội nguồn, tìm thấy mẹ, hay một giấc mơ về mẹ. Kỳ diệu hơn, từ cội rễ chúng biết yêu những mơn man xung quanh hơn, những người nuôi nấng yêu thương chúng, chúng hiểu rằng tình thương lớn hơn sự khác biệt về màu mắt hay dòng giống. Như lá biết cách yêu nắng, gió, yêu những điều để diệp lục bừng lên sức sống.
Câu chuyện đã chảy theo 2 hướng, cái nhìn từ phía những đứa trẻ ngỡ mình lạc loài và từ ngoài vào-cách chúng ta ứng xử với những lạc loài của những đứa sắp thành người lớn . Cả 2 hướng ấy, chỉ thắp lên một mùa đẹp, nếu có nguồn năng lượng của thấu hiểu và kiên nhẫn, kiên nhẫn để thấu hiểu, thấu hiểu để yêu thương.
Dù chưa toàn vẹn, nhưng cội rễ đã dang tay cho những chiếc lá rụng về.
Xa Cội, sách của tủ sách Suối Thơm-Quỹ Nguyễn Hiến Lê, NXB Văn Hóa Văn Nghệ ấn hành, giá bìa 100 ngàn đồng. Mọi lợi nhuận có được từ sách, sẽ được đưa vào Quỹ Nguyễn Hiến Lê, săn sóc sự học cho những trẻ em nghèo có khả năng học tập. Mùa đóng cửa này, đọc thêm một cuốn sách về kết nối, về yêu thương, góp thêm 1 chút cho bọn trẻ con có lối ra sự học, há chẳng sướng sao.
-------------
Bài viết từ trang nhà Thuan Vuong Tran, một người bạn mà Quỹ thường gọi là "đại hiệp".
Bài viết từ trang nhà Thuan Vuong Tran, một người bạn mà Quỹ thường gọi là "đại hiệp".
Bài viết khác
Thêm một đứa trẻ được học là thêm một cuộc đời được thay đổi. Chúng tôi nguyện giúp các bạn trẻ học và tự học.