"Đường đi học của K."
Thứ Hai, 09 - 10 - 2017
Mỗi ngày chúng mình hay nhắc nhớ cho nhau nghe những cái tên của tụi nhỏ. Mỗi cái tên đều có một (hay nhiều) câu chuyện mà cho dù chúng mình đã biết, đã nghe kể, đã thấy tận mắt, thì khi đọc lại qua câu chữ của thành viên trong Quỹ, chúng mình vẫn xao động như lần đầu được nghe-thấy.
Nhớ K. Nhớ dáng em chạy chiếc xe đạp điện dẫn đường các thành viên Quỹ băng qua mấy nương sắn xanh um để ra ngoài lộ.
--------------------------
Đường đi học của K.
Bài Hoa Linh Thoai
Ở nơi này, buổi sớm bước ra khỏi nhà đã thấy màu xanh tràn mặt đất, buổi tối sao trời cũng nhấp nhánh xanh...Một nhà một cõi xanh um, kẻ phù phiếm như mình mới nhìn chỉ thấy một vùng thơ mộng; mà dừng chân, ngồi lại, mới thấy "vùng xanh um" ấy đầy nhọc nhằn cho đường học của trẻ quê...
K - một bạn nhỏ trong Đội bọc bổng Bến Tre 2017 ở đó, cùng bà nội, cha mẹ và người chị gái bị nhiễm dioxin.
Năm năm K. học tiểu học, cứ 5h sáng mẹ em lại cột ngọn đèn trên đầu, cõng em qua một đoạn đường lầy bị ngập mặn, mất nửa tiếng mẹ cõng con như thế, rồi hai mẹ con lại ngồi đò băng vuông tôm quảng canh của người ta, lội bộ thêm lần nữa mới đến được trường.
Mỗi ngày hai tiếng đi - về, con càng lúc càng nặng, mẹ mệt quá lại quạu và đe: học không giỏi mẹ cho nghỉ chứ không cõng nữa. Con thì than lưng mẹ to quá, con ngồi “mỏi háng” ghê. Mẹ cực, con mỏi, mà hôm nào giỗ quẩy bận rộn, mẹ bảo nghỉ học một bữa, K. nhất quyết không chịu. Bù đắp cho công mẹ đưa đến trường, cậu - bé - nhà - xa luôn có điểm số thật cao ở các môn học. Nghe đứa con ngồi trên lưng khoe hết điểm 8 này đến điểm 9 khác, bà mẹ quê không biết chữ như được tiếp thêm sức mạnh, không nỡ đe "cho con nghỉ học" nữa.
Ngày K. nhận #Học_bổng_Nguyễn_Hiến_Lê, mắt người mẹ trẻ rưng rưng, bàn tay không quen viết chữ cũng run run khi ký vào những giấy tờ cam kết (về quyền sử dụng hình ảnh của Quỹ Nguyễn Hiến Lê). Bà bảo từ nay không khi nào hù con phải nghỉ học. Gánh nặng cho đường học nghĩa bóng lẫn nghĩa đen đều được dỡ đi, khi đường vào nhà K. nay xe đạp, xe máy có thể vào tận nơi mà không gặp đoạn lầy phải lội bộ.
Nhưng đường đến trường cấp 2 xa gấp 4 lần đường đến trường cũ - 16km. Sợ con đạp xe mỏi, người mẹ xin không nhận chiếc xe đạp Quỹ tặng mà nhận tiền rồi vay mượn thêm mua cho con chiếc xe đạp điện. Tiền trả nợ trông vào năm công sắn của bà nội và hai chiếc “xe sắn” của cha mẹ K. (Họ gọi mình làm nghề “xe sắn”, tức chở sắn từ các điểm thu hoạch đến điểm thu mua trong vùng).
K lặng lẽ, ít nói. Chúng tôi đến thăm, thấy góc học tập tối quá, hỏi ra mới biết cậu bé quen được mẹ chìu cũng có nài mẹ mua chiếc đèn bàn, mà “mắc quá”, mẹ … "thôi”. Hỏi các phần quà Quỹ tặng còn thiếu món gì không, K. chỉ lắc đầu. Mãi sau mới nhờ mẹ…nói dùm: em rất thích cái máy tính Casio mà bạn trong lớp dùng...
Đó cũng là một học cụ mà Quỹ không nghĩ tới khi chuẩn bị quà cho các em nhận Học bổng. Không biết các em khác có ngại mình…"đòi hỏi” quá không mà em nào cũng bảo “con thấy đủ rồi”.
Để công bằng cho các em, cũng nhờ “tiết lộ” của K., Quỹ đang cân nhắc sẽ tặng mỗi em nhận Học bổng một máy tính khi các em vào lớp 7.
#Săn_sóc_sự_học, không đơn giản chỉ là một buổi trao học bổng, vài lần đến thăm nhà, vài cuộc điện thoại…, mà đòi hỏi nhiều điều phải làm hơn nữa, đòi hỏi sự đồng hành chu đáo, tâm lý và nhiều gắn kết hơn nữa. Vì các bạn nhỏ, chúng mình sẽ không ngại khó, sẽ cùng học cách làm cho thật tốt và cùng cố gắng, phải không?
#Quỹ_Nguyễn_Hiến_Lê
#Học_bổng_Nguyễn_Hiến_Lê_Bến_Tre_2017
Bài viết khác
Thêm một đứa trẻ được học là thêm một cuộc đời được thay đổi. Chúng tôi nguyện giúp các bạn trẻ học và tự học.